Vào một ngày đẹp trời dịp cuối năm năm 2015, tôi và đứa bạn thân quyết định làm một chuyến “phượt” Phú Yên trong vòng 1 ngày. Nhắc đến Phú Yên, chỉ cái tên thôi đã đủ thấy cái quê quê, chân chất, giản dị mà có nét gì đó bí ẩn và huyền diệu. Chính vùng đất này là nơi chúng tôi được sanh ra và lớn lên nhưng cho đến tận bây giờ, chúng tôi – những người con đất Phú – thực sự vẫn còn chưa khám phá được hết vẻ đẹp tuyệt vời của nó.
Chuyến đi của hai chúng tôi bắt đầu vào lúc 7 giờ sáng và kết thúc khoảng 4 giờ chiều cùng ngày. Chuyến đi ban đầu không có mục đích cụ thể vì chúng tôi còn trẻ, thích thì đi và thời gian khá gấp rút nên chúng tôi chỉ quyết định thăm quan một vài địa điểm tiêu biểu mà chúng tôi chưa từng ghé thăm lần nào trước đó.
Địa điểm 1: 7h-9h30 Bánh tráng Hoà Đa – Món đặc sản quê nhà
Chúng tôi xuất phát vào lúc 7h sáng bằng xe máy đi từ thị trấn Hoà Vinh, huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên. Hôm đó trời đẹp, có nắng và gió nhẹ. Như mọi ngày cuối năm ở Phú Yên, không khí có phần hơi se lạnh cộng với nắng nhẹ tạo cảm giác rất dễ chịu và thích hợp để tổ chức một chuyến đi đầy thú vị như thế này.
Đi về hướng Tây Bắc, theo con đường quốc lộ 1A thoáng đãng vừa mới được mở rộng trong năm 2015, chúng tôi mất khoảng 1 giờ 30 phút đi với tốc độ chậm để vừa đi vừa ngắm cảnh và sau đó ghé vào một quán bánh tráng Hoà Đa khá nổi tiếng ở vùng này để dùng bữa sáng. Quán nằm ngay trên quốc lộ 1A và khá đông khách, đa số là cán bộ nhân viên ở gần đây và khách du lịch – muốn một lần trong đời thưởng thức món bánh tráng đặc sản Phú Yên này – như chúng tôi.
Một phần ăn cho một người là 40 ngàn đồng, bao gồm một tô cháo lòng, một đĩa bánh hỏi, lòng heo, không thể thiếu món quan trọng là bánh tráng Hoà Đa nướng và nhúng, ăn kèm với dưa leo rau sống, ớt tỏi chanh và một chén nước mắm loại ngon. Dân Hoà Đa nổi tiếng với nghề làm bánh tráng cổ truyền. Những chiếc bánh tráng được làm từ bột gạo không pha nên giữ được nguyên hương vị, thơm và dai hơn bánh ở những vùng khác. Thưởng thức món đặc sản này và tán gẫu với bạn vừa xong cũng là lúc 9 giờ 30 phút sáng, chúng tôi tiếp tục hành trình lên đường, đi thăm nhà thờ Mằng Lăng.
Địa điểm 2: 9h30 – 11h Nhà thờ Mằng Lăng – Nhà thờ cổ Phú Yên
Tiếp tục đi theo đường quốc lộ 1A, chúng tôi vừa đi vừa ngắm cảnh đất trời nên quãng đường dù hơi xa nhưng vẫn không thấy mệt là mấy. Cảnh vật chung quanh rất đẹp và thơ mộng, những chòm mây trắng bay lửng lơ trên nền trời xanh, đi trên đường mà chúng tôi cứ ngỡ là đang đi lên…”trời”!
Mất một tiếng đồng hồ, chúng tôi gặp biển hướng dẫn rẽ phải tới nhà thờ Mằng Lăng thuộc huyện Tuy An tỉnh Phú Yên. Hai chúng tôi bị ấn tượng bởi sự thân thiện và hiếu khách của người dân khi chúng tôi ghé lại hỏi thăm đường. Đi sâu vào trong con đường làng nhỏ, nhà thờ Mằng Lăng nổi bật với vẻ cổ kính pha chút mộc mạc. Vừa sau dịp lễ Giáng Sinh, nhà thờ vẫn còn trang trí nhiều đèn hoa rực rỡ. Chúng tôi thăm quan và chụp hình lưu niệm, sẵn dịp hít thở chút không khí quê nhà trong lành mà thấy thật là thích…
Địa điểm 3: 11h – 12h30 Gành Đá Dĩa – Di tích thắng cảnh cấp quốc gia
Có sẵn bảng chỉ dẫn nên chúng tôi không lo bị lạc đường, từ nhà thờ Mằng Lăng đi khoảng 20p là tới di tích Gành Đá Dĩa. Ở các bãi giữ xe có dịch vụ đặc biệt là cho mượn nón miễn phí, ngoài ra họ còn bán rất nhiều quà lưu niệm làm từ vỏ sò, vỏ ốc và nước giải khát. Vì ở đây trời khá nắng nên khách du lịch khi quên mang nón theo có thể mượn tại đây, bạn tôi quên mang nên cũng tranh thủ mượn một cái cho khỏi nắng, khi về… nhớ trả lại là được.
Gành Đá Dĩa là một nơi rất nổi tiếng ở tỉnh tôi, nhiều khách du lịch khi có dịp ghé thăm đều trầm trồ trước vẻ đẹp kì vĩ mà tự nhiên đã ban tặng nơi này. Những gành đá với nhiều hình dạng khác nhau tựa như vô vàn chiếc dĩa xếp chồng chồng lớp lớp, cộng với từng đợt sóng biển đập vào làm cho nước bắn tung toé tạo nên một cảnh tượng tuyệt vời. Đứng trước thiên nhiên hùng vĩ, tôi mới thấy mình thật sự bé nhỏ!
Trên đường về lại bãi giữ xe, chúng tôi ghé vào quán nước đã cho bạn tôi mượn nón, uống hai trái dừa tươi mát rượi, xem mấy món đồ lưu niệm lạ lạ rồi lên xe về nhà. Trên đường về, chúng tôi ngắm nhìn những đồng lúa chín, những cung đường ngập tràn mây, những bụi tre lá bay xào xạc và cảnh người dân tuốt lúa trên đường. Đột nhiên lòng mình cảm thấy bình yên đến lạ. Đường về nhà hình như gần hơn…
Đã trưa nên chúng tôi quyết định ghé vào một quán cơm ở thị trấn Chí Thạnh ăn trưa. Chí Thạnh về trưa khá vắng người và yên tĩnh, hai chúng tôi ăn cơm xong hết 15 ngàn một dĩa, lúc đó cũng là 13 giờ 30 phút. Trên đường về ở ngã ba Chí Thạnh, thấy có hai cô ngồi bán sắn nước trên đường, bên cạnh là những bụi sắn rất tươi xanh vừa mới hái, chúng tôi dừng xe mua 2 bụi sắn về làm quà cho gia đình, mỗi bụi chỉ có 10 ngàn đồng. Nghe cô bán bảo đó là giống sắn nước Phường Lụa, nổi tiếng nhờ vị ngon ngọt, ăn sống rất giòn, mát và có thể dùng để chế biến nhiều món ăn dân dã khác nhau.
Trên đường từ Chí Thạnh về nhà, mỗi chúng tôi mang theo những suy nghĩ và cảm nhận riêng. Hai đứa con gái đất Phú mang trong lòng tinh thần khám phá vùng đất quê hương, nhưng mới khám phá một phần nhỏ thôi mà sao đã thấy quá tuyệt vời. Tôi tự thấy bản thân sao hời hợt, Phú Yên đẹp bấy lâu mà mãi bây giờ mới nhận ra được điều ấy.
Phú Yên – vùng đất được mệnh danh là “đất Phú trời Yên” quả thực không hề sai. Hành trình khám phá vẻ đẹp đất Phú của hai chúng tôi tạm khép lại hôm nay. Và chắc chắn sẽ lại tiếp tục vào một ngày thật gần!
PY.7.1.2016
Ngọc Pattie.